Đây là dự án có tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 1,6 tỷ USD, chiều dài hơn 57km, được coi là tuyến cao tốc tầm cỡ nhất Việt Nam hiện nay.( đoạn bên Nhơn Trạch có tên gọi là Cao Tốc Liên Vùng Phía Nam )
Tạo vành đai cao tốc bao quanh đô thị
Theo chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), đây là dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế Đông Nam Bộ, khai thác thế mạnh và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch của TP Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Nai.
Dự án hoàn thành sẽ giúp cho giao thông liên vùng phía Tây và phía Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh, nối trực tiếp với mạng đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống cảng biển Hiệp Phước, Thị Vải - Cái Mép và với Sân bay quốc tế Long Thành.
Khi các khu đô thị tại TP Hồ Chí Minh phát triển, cùng với đường Vành đai 3, tuyến cao tốc này sẽ đảm nhiệm thêm chức năng giao thông vành đai đô thị bao quanh khu vực nội thành trên phạm vi rộng, đi gần một số đô thị vệ tinh và giao cắt với hầu hết các đường hướng tâm, xuyên tâm của thành phố như đường Vành đai 2 hiện nay.
Cũng theo VEC, khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần làm giảm áp lực giao thông trên QL1, QL51, giảm thiểu TNGT, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa và hành trình từ tỉnh Long An đến TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại, từ đó thúc đẩy phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp, cảng biển do các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại các tỉnh phía Nam.
Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến sẽ kết nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Penh, TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.
Thời gian qua, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT và cam kết sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị và các nguồn lực liên quan theo đúng các điều kiện của hợp đồng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện, tổ chức thi công, hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ toàn bộ tuyến đường theo đúng tiến độ, chất lượng và mục tiêu đã đề ra. Theo dự kiến, Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành vào năm 2018.
Chọn được những nhà thầu đầu tiên
Theo Bộ GTVT, Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, là dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam. Đây là dự án đã được quan tâm chuẩn bị từ lâu, qua nhiều lần thay đổi cơ chế và nguồn vốn. Đến nay, VEC đã làm việc với địa phương trong công tác GPMB để chuẩn bị đủ điều kiện triển khai thi công. Thông qua hình thức đấu thầu quốc tế - nhà thầu được lựa chọn là Liên danh Công ty Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4 - Việt Nam). Đơn vị tư vấn giám sát là liên danh tư vấn KEI-NE-OC-TEDI đều là các đơn vị tư vấn quốc tế lớn có nhiều dự án thành công tại Việt Nam.
Tại lễ trao thầu gói thầu J2 (gói thầu sẽ khởi công ngày 19/7) mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư VEC trong việc đẩy nhanh tiến trình chuẩn bị, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công dự án. Thứ trưởng Đông cho rằng: “Sumitomo Mitsui và Cienco 4 đều là các nhà thầu mạnh của Nhật Bản và Việt Nam, cả hai nhà thầu đã thực hiện thành công nhiều dự án giao thông lớn. Sau khi ký hợp đồng, các nhà thầu cần triển khai ngay công tác chuẩn bị nhân lực, máy móc, thiết bị để khởi công và thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và mỹ thuật công trình”.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, VEC cần bám sát tiến độ GPMB, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ mọi vướng mắc về mặt bằng, cung cấp đủ vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công.
Hình thức liên danh mới đầu tiên ở Việt Nam
Trao đổi với Báo Giao thông về hình thức liên danh thực hiện tại gói thầu J2 thuộc dự án này, ông Hoàng Văn Đào - Phó Tổng giám đốc CIENCO 4 cho biết: “Tại Gói thầu J2 dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành Công ty Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) và CIENCO 4 liên danh theo mô hình đầu tiên Sumitomo Mitsui áp dụng tại Việt Nam. Theo đó, cả CIENCO 4 và Sumitomo Mitsui sẽ cùng góp người (cán bộ, kỹ sư) vào việc điều hành dự án và chia lợi nhuận theo tỷ lệ liên danh. Mô hình này sẽ làm giảm chi phí do sử dụng ít kỹ sư nước ngoài và tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của CIENCO 4. Đồng thời, Sumitomo Mitsui sẽ đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý cho CIENCO 4 trong quá trình thực hiện dự án”.
Về năng lực thực hiện dự án, ông Đào cũng cho biết: “CIENCO 4 đã từng thực hiện nhiều dự án đường cao tốc, vì vậy đối với dự án này sẽ không ngại khó khăn. Đặc biệt, gói thầu J2 này có đặc điểm gần giống với đường Vành đai 3 trên cao tại Hà Nội mà Sumitomo Mitsui và CIENCO 4 đã từng thực hiện và sẽ huy động toàn bộ hệ thống thiết bị trước đây đã thi công Gói 1 và Gói 2 của Dự án Vành đai 3 vào Gói thầu J2 .
Ông Đào cũng cam kết sẽ tập trung tối đa nguồn nhân lực, thiết bị, máy móc để sớm triển khai thi công. “Nhà thầu phấn đấu rút ngắn tiến độ gói thầu ít nhất 6 tháng, thi công đảm bảo chất lượng, an toàn, môi trường và mỹ thuật” - ông Đào nói.
Gói thầu J2 được khởi công có lý trình bắt đầu từ Km 24+503 đến Km 29+264 với tổng chiều dài hơn 4,7km, gồm cầu sông Chà và cầu cạn qua huyện Cần Giờ của TP Hồ Chí Minh. Giá trúng thầu là hơn 1,4 tỷ yên và hơn 2.457 tỷ đồng. Giá trị trao thầu bao gồm các khoản thuế, phí theo quy định và 22% dự phòng phí. Hình thức hợp đồng theo đơn giá có điều chỉnh. Thời gian thực hiện hợp đồng: 972 ngày (32 tháng). Nguồn vốn sử dụng vốn vay JICA và vốn đối ứng của Việt Nam.
Sưu tầm và biên soạn by Daniel Luu
Giao Thông Vận Tải
Copyright 2012 by Daniel Luu. All Rights Reserved. HOTLINE 0907 786 100